Khi nhìn vào thông số kỹ thuật của một chiếc loa, chắc hẳn bạn đã thấy những con số như 8Ω, 2Ω,… Vậy những con số này có ý nghĩa gì. Hãy cùng tìm hiểu loa 8 Ohm, 4 Ohm, 2 Ohm là gì? Ý nghĩa của trở kháng loa cũng như sự ảnh hưởng của nó đến chất lượng âm thanh.
Loa 8 Ohm, 4 Ohm, 2 Ohm là gì?
- Loa 8 Ohm thường được sử dụng trong các hệ thống âm thanh nổi trong nhà, ngoài trời và bộ khuếch đại nhạc cụ. Do các dàn âm thanh trong nhà có điện áp nguồn cao hơn nên loa có trở kháng lớn có thể được sử dụng.
- Loa 4 Ohm thường được sử dụng trong các hệ thống âm thanh xe hơi. Do khả năng cung cấp điện năng của xe hơi hạn chế hơn nên chúng thường sử dụng các loa có trở kháng thấp (4 Ohm, 2 Ohm hay kể cả 1 Ohm). Điều này cho phép dòng điện chạy qua nhiều hơn, tăng khả năng cấp nguồn.
- Loa 2 Ohm thường được sử dụng trong hệ thống âm thanh xe hơi có công suất lớn, đặc biệt là loa subwoofer. Điều này đã trở nên phổ hơn trong những thập kỷ gần đây khi công nghệ cho bộ khuếch đại (amplifier) đã được cải thiện và giá thành cũng không còn quá đắt đỏ.
- Một vài trở kháng khác như loa 16 Ohm có thể tìm thấy trong các thiết bị điện tử nhỏ, dàn âm thanh gia đình cũ,…
Về bản chất, trở kháng 8Ω, 4Ω,… ghi trên loa chỉ là những con số ước lượng, gần đúng. Những con số này sẽ giúp bạn kết hợp loa với những thiết bị điện tử khác một cách chính xác hơn.
Trở kháng loa là gì? Ý nghĩa số Ohm ghi trên loa
Trở kháng loa có thể hiểu nôm na là sự cản trở dòng điện khi kết nối loa tới bộ khuếch đại hoặc đầu thu. Trở kháng của loa và các thiết bị đầu thu, bộ khuếch đại phải tương ứng với nhau khi chúng được kết nối.
Một chiếc loa có chỉ số trở kháng là 8Ω thì không phải lúc nào cũng là 8Ω. Lý do là bởi trở kháng loa bị thay đổi khá nhiều bởi các yếu tố như cộng hưởng và điện cảm, tùy thuộc vào tần số âm thanh loa phát tại một thời điểm nhất định.
Ví dụ tổng trở của loa là 8Ω, trong lúc hoạt động nó có thể xuống 6Ω và đạt tới 70Ω khi cộng hưởng như biểu đồ được minh họa ở trên.
Cộng hưởng loa
Tần số cộng hưởng của loa là tần số mà nam châm và cuộn dây âm thanh (voice coil) hoạt động không thống nhất và không được kiểm soát. Kết quả dẫn đến trở kháng loa tăng cao ảnh hưởng đến âm thanh.
Điều này cũng được các nhà sản xuất tính đến. Họ tránh sử dụng loa ở gần tần số cộng hưởng đê giảm thiểu các vấn đề liên quan đến âm thanh và hiệu suất.
Cuộn dây điện cảm loa
Cuộn cảm là một linh kiện vô cùng hữu ích. Độ tự cảm là một tính chất của các điện tử chạy qua một vòng dây và từ trường hình thành xung quanh nó.
Cũng giống như cuộn cảm, cuộn dây âm thanh có từ trường được tạo ra khi dòng điện chạy qua nó. Từ trường này cung cấp một lượng điện trở tùy thuộc vào tần số.
Trở kháng loa là sự kết hợp của 2 yếu tố:
- Điện trở của cuộn dây âm thanh.
- Độ tự cảm.
Hầu hết loa sử dụng thiết kế truyền thống với một cuộn dây âm thanh được làm từ sợi dây dài quấn chặt quanh một ống giấy. Khi được cấp nguồn từ bộ khuếch đại hoặc đầu thu, từ trường tạo ra chuyển động khi chúng hút vào hoặc ra khỏi nam châm loa. Điều này làm màng loa di chuyển và âm thanh được tạo ra từ chuyển động của không khí.
Cuộn dây âm thanh của loa luôn có một lượng điện trở nhất định từ chính sợi dây. Bạn cũng có thể đo được nó khi sử dụng đồng hồ đo.
Tóm lại, tổng điện trở từ cuộn dây âm thanh và điện cảm của cuộn dây sẽ là trở kháng của loa.
Làm thế nào để đo trở kháng loa?
Khi đo điện trở của loa, bạn chỉ đang đo điện trở dòng điện một chiều của cuộn dây chứ không phải trở kháng. Tuy nhiên con số này cũng gần xấp xỉ với tổng trở kháng trung bình.
Khi đo trở kháng bằng máy đo điện trở tức là bạn đang đo điện trở của cuộn dây chứ không phải tổng trở kháng.Vì vậy bạn cần một dụng cụ đo chuyên dụng để đo trở kháng.
Loa nào tốt hơn: 8Ω, 4Ω hay 2Ω
Câu trả lời là không có loa nào tốt hơn cả. Nó còn tùy thuộc vào hệ thống âm thanh đang được sử dụng. Con số tốt nhất khi nó khớp với trở kháng của bộ khuếch đại, đầu thu hoặc thông số trở kháng của bộ phân tần.
- Bạn không thể sử dụng loa 4Ω với đầu thu hoặc bộ khuếch đại 8Ω. Việc sử dụng loa có trở kháng thấp hơn so với các thiết bị khác có thể làm hỏng loa.
- Loa 8Ω có thể sử dụng được với đầu thu (amplifier) 4Ω. Tuy nhiên sẽ có một số vấn đề phát sinh xảy ra.
- Khi sử dụng bộ phân tần loa, bạn không thể hoán đổi loa 4Ω hoặc 8Ω bởi bộ phân tần được thiết kế chỉ để hoạt động đúng với tải của loa. Việc hoán đổi có thể làm thay đổi tần số phân tần, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.
Dàn âm thanh trong nhà có lợi thế hơn hệ thống âm thanh của xe hơi ở chỗ chúng được cấp nguồn điện áp cao. Bộ khuếch đại được sử dụng trong xe hơi có thể cung cấp một lượng lớn công suất đến loa 4Ω và 2Ω bằng cách sử dụng nguồn điện bên trong để tạo ra điện áp cao hơn và khuếch đại tín hiệu loa.
Trở kháng có ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh hay không?
Trở kháng chỉ ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh trong một số trường hợp nhất định như cách mà nó tương tác với bộ phân tần. Ở đa số trường hợp, trở kháng cao cũng không có nghĩa là chất lượng âm tốt.
Bạn sẽ có được âm thanh hay nhất khi sử dụng loa phù hợp với đầu thu hoặc bộ khuếch đại.
Công suất, âm lượng và tầm quan trọng của trở kháng loa
Ở biểu đồ trên bạn có thể thấy điều gì xảy ra nếu sử dụng loa 8Ω thay cho 4Ω.
- Công suất của loa 4Ω tại cùng một điện áp đầu ra của bộ khuếch đại là gấp đôi so với loa 8Ω.
- Công suất tối đa mà loa 8Ω nhận được khi nó được kết nối với amplifier 4Ω sẽ luôn thấp hơn so với việc sử dụng loa 4Ω.
Điều này có nghĩa là việc sử dụng một chiếc loa 16Ω thay cho loa 8Ω sẽ ảnh hưởng tới công suất và âm lượng loa.
Sử dụng loa 8Ω với bộ khuếch đại 4Ω có được không?
Mặc dù có thể sử dụng loa có trở kháng cao hơn đầu thu hoặc bộ khuếch đại, nhưng nếu có thể bạn không nên thử nó.
Trong một vài tình huống như khi có nhiều nguồn điện từ bộ khuếch đại thì sẽ có ít vấn đề hơn. Tuy nhiên không nên sử dụng loa 8Ω trong hệ thống âm thanh xe hơi 4Ω vì không đủ nguồn cấp cho loa.
Tham khảo: soundcertified.com