[2023]Mua CPU và những điều bạn cần biết

[2023]Mua CPU và những điều bạn cần biết

Trở về Blog | Đăng bởi vào ngày 24/07/23

Chia sẻ bài viết :

Trái tim của mọi dàn PC là CPU hay bộ vi xử lý. Mọi tác vụ, thao tác của người dùng đều phải qua CPU xử lý.

Hiện nay, bên ngoài thị trường có quá nhiều lựa chọn dành cho người dùng. Vì thế việc chọn mua cho mình một CPU phù hợp với nhu cầu cá nhân là điều không hề đơn giản. Bài viết sẽ đưa ra các tiêu chí chọn mua CPU trong năm nay, giúp bạn dễ dàng tìm được một con Chip xử lý ưng ý nhất.

CPU là gì?

CPU (Central Processing Unit) hay còn được biết đến là bộ vi xử lý trung tâm. Nó là mạch điện tử xử lý, thực hiện các lệnh nhận được từ các phần cứng cũng như phần mềm trên thiết bị. Nói một cách cụ thể hơn, CPU sẽ thực hiện các phép tính liên quan đến số học, đo lường, so sánh, logic, đồng thời nhập hoặc xuất dữ liệu từ các mã lệnh trên máy tính.

tìm hiểu cpu 1

CPU có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ xử lý của các thiết bị. Bộ vi xử lý càng cao cấp, hiện đại thì những thiết bị như máy tính, laptop, điện thoại càng hoạt động mượt mà hơn.

Các tiêu chí chọn mua CPU

1. Số nhân

mua cpu và những điều cần lưu ý 1

Để xử lý hàng tá phép tính toán với tốc độ cực nhanh, CPU phải sử dụng đến nhiều nhân khác nhau. Hãy coi mỗi nhân như một bộ vi xử lý thu nhỏ với khả năng tính toán cho chính nó.

Ví dụ, nếu một bộ vi xử lý đơn nhân phải tính toán 5 x 4 x 3 x 2 thì đây là cách nó tính toán:

Ngược lại, một CPU đa nhân sẽ tính toán nhiều phép tính cùng lúc. Một lõi sẽ tính toán 5 x 4, trong khi lõi khác sẽ tính toán 3 x 2. Điều này giúp cho ra kết quả tính toán nhanh hơn so với CPU đơn nhân.

Đó là lý do vì sao các CPU đa nhân thường xử lý các tác vụ có nhiều tiến trình diễn ra cùng lúc như chỉnh sửa, render video một cách tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết các trò chơi lại không cần quá nhiều lõi. Trên thực tế, các game hiện nay không sử dụng hết 4 lõi của CPU.

Nếu ngoài chơi game ra bạn còn làm các tác vụ khác như sáng tạo nội dung thì một con CPU từ 4 đến 6 lõi là hoàn toàn hợp lý.

Nhìn chung, bộ vi xử lý càng có nhiều lõi thì càng có thể xử lý nhiều tác vụ cùng lúc. Dòng CPU Intel Core i5 hoặc AMD Ryzen 5 với 6 lõi là lý tưởng đối với đại đa số người dùng, phục vụ tốt nhu cầu gaming cũng như sáng tạo nội dung.

2. Kích thước bộ nhớ đệm (Cache)

Bộ nhớ Cache ảnh hưởng rất nhiều tới tốc độ xử lý của CPU ngày nay. Hầu hết chúng ta đều chỉ quan tâm tới bộ nhớ chính là RAM và bộ nhớ thứ cấp là ổ cứng mà bỏ qua bộ nhớ đệm của CPU.

Đây là một loại bộ nhớ chuyên dụng, được tích hợp trực tiếp vào CPU. Nhưng tại sao bộ vi xử lý lại cần bộ nhớ riêng, trong khi đã có RAM lưu trữ dữ liệu?

tìm hiểu bộ nhớ cache cpu 1

Mặc dù RAM nhanh hơn rất nhiều so với ổ cứng. Tuy nhiên CPU muốn dữ liệu thậm chí còn nhanh hơn cả RAM có thể cung cấp.

Hơn thế nữa, CPU ngày càng có tốc độ xử lý nhanh đáng kinh ngạc và sẽ vượt xa khả năng cung cấp dữ liệu của RAM. Nếu không có bộ nhớ nào đó nhanh hơn, CPU sẽ phải chờ RAM.

Không giống như bộ nhớ hệ thống sử dụng DRAM (RAM động), bộ nhớ đệm lại sử dụng SRAM (RAM tĩnh). Mặc dù đắt và chiếm nhiều không gian hơn, tuy nhiên nó lại có tốc độ nhanh hơn đáng kể so với DRAM bởi SRAM không cần làm mới liên tục để giữ dữ liệu.

CPU trung bình sẽ có sẵn một vài MB bộ nhớ cache và được sử dụng rất nhiều. Khi CPU truy xuất thứ gì đó từ RAM, nó thường lưu dữ liệu đó trong bộ nhớ cache, sau đó sử dụng các thuật toán nâng cao để đoán tập lệnh tiếp theo mà nó sẽ cần và cũng sẽ tìm nạp dữ liệu đó từ RAM.

tìm hiểu bộ nhớ cache cpu 2

Về cơ bản, CPU sẽ yêu cầu RAM cung cấp bất kỳ dữ liệu nào mà nó nghĩ rằng nó sẽ cần và lưu trữ tất cả dữ liệu đó trong bộ đệm của nó để sử dụng ngay.

Không có gì là hoàn hảo cả, đôi khi CPU sẽ gặp lỗi “cache miss”. Khi CPU cố gắng tìm dữ liệu cần thiết trong bộ nhớ cache nhưng không thấy và phải yêu cầu dữ liệu trực tiếp từ RAM, điều này làm mọi thứ chậm lại.

Vì thế, kích thước bộ đệm càng lớn thì hiệu năng CPU càng cao. Bạn sẽ thấy các CPU cao cấp thường có bộ đệm khá lớn.

3. Khả năng tương thích socket

Không giống như nhiều socket PCI Express có thể phục vụ cho nhiều linh kiện khác nhau. Hầu như mọi dòng CPU mới đều có ổ cắm riêng. Vậy điều này có nghĩa là gì?

Bạn sẽ phải chú ý nhiều hơn một chút đến loại socket của bo mạch chủ. Ổ cắm của Intel và AMD rất khác biệt. Intel thường sử dụng LGA (Landing Grid Array), điều này có nghĩa bản thân CPU có các miếng tiếp xúc điện nhỏ. Trong khi các chân cắm nằm trong socket gắn trên bo mạch chủ.

so sánh cpu socket lga 1200 vs 1700 2

Khi mua CPU Intel, có thể bạn sẽ nhìn thấy “LGA 1151” hay “LGA 2011”. Các con số này tương ứng với số lượng chân được hàn trên socket và miếng đệm nằm ở dưới CPU.

Tại sao CPU cần đến nhiều chân đến vậy. Đó là bởi nó cần cung cấp năng lượng. Bộ vi xử lý có thể tiêu thụ rất nhiều điện năng và việc phân chia mức tiêu thụ điện giữa nhiều chân khác nhau giúp ổn định việc cung cấp điện.

các loại socket cpu amd 4

Mặt khác, CPU AMD sử dụng PGA (Pin Grid Array). Không giống như Intel, bản thân CPU AMD có các chân và socket bo mạch chủ AMD có các lỗ nhỏ để cắm các chân. AMD cũng không sử dụng cùng một cách đặt tên như Intel, điều đó có nghĩa là bạn không nên tương quan các số trong các loại ổ cắm với số chân thực tế trên Chip.

4. Card đồ họa tích hợp

Một số CPU được tích hợp card đồ họa. Điều này có nghĩa là bạn không cần thiết phải mua card đồ họa rời để xuất hình ảnh ra màn hình. Bạn có thể cắm trực tiếp cáp HDMI vào bo mạch chủ và thưởng thức.

Các Chip mới như Ryzen 3 3200G (APU) vô cùng mạnh mẽ ngay cả khi thực hiện các tác vụ game nhẹ. Đối với những bạn sử dụng PC để lướt web và các tác vụ không liên quan đến xử lý đồ họa thì nên sắm cho mình một CPU có đồ họa tích hợp.

tìm hiểu apu 1

Tuy nhiên, nếu là một nhà sáng tạo nội dung hay game thủ, bạn nên đầu tư một GPU rời chuyên dụng. Cho dù bạn có sử dụng một con Chip cao cấp đến đâu thì đồ họa tích hợp sẽ không bao giờ cạnh tranh được với GPU rời, đặc biệt là khi chơi game.

5. Tần số xung nhịp

Hầu hết các nhà sản xuất đều chú trọng vào quảng cáo tần số xung nhịp CPU. Thật ra, tần số xung nhịp không thực sự là tiêu chí quan trọng khi chọn mua CPU. Nhưng trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu nó là gì.

Tìm hiểu tốc độ xung nhịp cpu 1

Tần số xung nhịp CPU được tính bằng MHz hoặc GHz, nó cho biết số lần mà CPU thực hiện các chu kỳ xử lý trong một giây. Tần số càng cao, CPU càng xử lý nhiều chu kỳ hơn tại một thời điểm.

Tuy nhiên bạn không nên lấy yếu tố này làm tiêu chí để mua bộ vi xử lý. Ngoài ra, đừng sử dụng nó để làm thước đo so sánh sức mạnh của 2 CPU khác nhau. Trừ khi, cả 2 đều cùng một vi kiến trúc và có cùng số lượng nhân.

Tốc độ xung nhịp không quan trọng như bạn nghĩ

Có vẻ như tốc độ xung nhịp càng cao càng tốt. Nhưng đây không phải là thông số kỹ thuật duy nhất mà bạn cần phải quan tâm, bởi tốc độ xung nhịp cao không có nghĩa là CPU đó nhanh hơn. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ của CPU.

Thay vì chỉ đơn giản là xem CPU có thể xử lý bao nhiêu chu kỳ xung nhịp mỗi giây. Bạn nên tìm hiểu điều gì thực sự diễn ra đằng sau mỗi chu kỳ.

Điều quan trọng là phải xác định lượng dữ liệu thực sự được xử lý trong mỗi chu kỳ. Các CPU ngày nay có thể xử lý đồng thời nhiều thứ khác nhau thông qua một quy trình được gọi là pipelining.

Giống như một nhà máy chia việc lắp ráp thành các giai đoạn khác nhau, CPU có thể chia dữ liệu thành các phần khác nhau và xử lý chúng. Nó làm cho quá trình sản xuất nhanh hơn đáng kể.

CPU pipelining phức tạp hơn nhiều so với dây chuyền trên, nhưng chính xác cách CPU quản lý các tác vụ khác nhau cùng một lúc phụ thuộc rất nhiều vào kiến trúc vi mô của Chip.

Bởi số lượng tập lệnh trên mỗi chu kỳ và hiệu quả xử lý pipelining có thể khác nhau rất nhiều giữa các thương hiệu và sản phẩm, nên tốc độ xung nhịp có thể đánh lừa người dùng rất nhiều.

Và như đã đề cập ở trên, CPU cần đọc trước để dự đoán dữ liệu nào chúng sẽ cần truy cập từ bộ đệm. Đặc biệt là xem xét có bao nhiêu thao tác người dùng khác nhau cần xử lý một lúc, đây là điều cực kỳ khó khăn.

Các CPU cao cấp cần thực hiện tốt hơn việc dự đoán loại tiến trình nào sẽ diễn ra tiếp theo mà không làm gián đoạn chức năng của các thành phần khác trên máy tính của bạn.

Điều này được gọi là dự đoán nhánh và các CPU có khả năng dự đoán nhánh tốt hơn sẽ có hiệu suất vượt trội, điều này không hoàn toàn dựa vào tốc độ xung nhịp.

mua cpu và những điều cần lưu ý 4

Nếu bạn đang thực hiện các tác vụ nặng về CPU yêu cầu xử lý dữ liệu như chỉnh sửa hoặc mã hóa video thì việc có nhiều lõi hơn để phân bổ khối lượng công việc thường sẽ mang lại hiệu suất tốt hơn so với lõi có tốc độ xung nhịp cao.

Như bạn thấy, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hiệu suất của bộ vi xử lý bên cạnh tốc độ xung nhịp.

6. Tần số xung nhịp tối đa (Boost)

Khi cần thêm một chút sức mạnh, CPU sẽ tự kích hoạt sang chế độ Boost.

Giả sử CPU có xung nhịp lõi cơ bản là 3.5 GHz và xung nhịp tối đa là 4.2 GHz. Xung nhịp cơ bản là tần số hoạt động ổn định của nó. Nhưng nếu bạn bắt đầu thực hiện các tác vụ nặng, CPU sẽ cần phải tăng tốc và sẽ tự chạy ở tốc độ 4.2 GHz, tiêu thụ nhiều năng lượng hơn trong giai đoạn này.

intel turbo boost là gì 2

Không giống như ép xung, bạn không cần phải làm gì để tăng xung nhịp lõi lên tần số tăng cường. Quá trình này hoàn toàn diễn ra tự động.

Khi mua một CPU mới, bạn cần nhìn vào chỉ số xung nhịp tăng cường để xác định hiệu năng tối đa của bộ vi xử lý.

7. Luồng

hyper threading là gì 2

Đây là tổng số quy trình độc lập mà CPU có thể đảm nhận cùng một lúc. Về lý thuyết, con số này phải giống với số lõi mà CPU có.

Tuy nhiên ngày nay rất nhiều bộ vi xử lý có công nghệ đa luồng, giúp chúng xử lý các tác vụ nhanh hơn. Hyperthreading (Intel) và Simultaneous (AMD) là 2 công nghệ giống nhau nhưng mỗi hãng lại đặt tên chúng khác nhau.

Công nghệ trên giúp 1 lõi tạo ra 2 luồng. Điều này giúp tăng gấp đôi khối lượng công việc mà 1 lõi đơn có thể xử lý cùng lúc. Một CPU có 4 lõi vật lý hỗ trợ công nghệ đa luồng tức là nó có 8 lõi. Tuy nhiên các lõi vật lý vẫn tốt hơn các luồng.

8. Ép xung (Overclocking)

mua cpu và những điều cần lưu ý 5

Như bạn đã biết, tần số xung nhịp lõi của CPU là thước đo số chu kỳ xung nhịp mà bộ vi xử lý có thể xử lý mỗi giây. Càng nhiều chu kỳ xung nhịp, nó có thể thực hiện các lệnh càng nhanh.

Khi ép xung CPU (hoặc bất kỳ linh kiện nào của máy tính), về cơ bản bạn đang cung cấp thêm năng lượng để tăng tần số xung nhịp của nó. Càng nhiều xung điện được gửi tới CPU mỗi giây, CPU của bạn sẽ càng nhanh.

Ép xung là cách tốt nhất để tăng hiệu suất làm việc của CPU và nó ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây bởi khá dễ để thực hiện.

Một số CPU phù hợp để ép xung hơn những CPU khác. Ví dụ, CPU của AMD nổi tiếng với khả năng overclocking, đặc biệt là dòng Ryzen. CPU của Intel cũng có thể ép xung, nhưng chỉ đối với những sản phẩm có hậu tố K ở tên.

Một số CPU của Intel bị khóa từ nhà máy, tức là chúng không có khả năng ép xung. Trong khi các mẫu K được mở khóa, và bạn có thể thoải mái overclock. Ngược lại tất cả các CPU của AMD đều được mở khóa và có thể ép xung dễ dàng.

Tuy nhiên, ép xung bạn cũng cần phải đánh đổi, đặc biệt là với tuổi thọ của CPU. Nhiều điện hơn được cung cấp cho CPU đồng nghĩa với việc sinh ra nhiều nhiệt hơn, dẫn đến tình trạng quá nóng và thậm chí hỏng bộ vi xử lý. Nếu quyết định ép xung, bạn cần có một hệ thống tản nhiệt phù hợp.

9. Thermal Design Power

tìm hiểu tdp cpu 1

Công suất thiết kế nhiệt (TDP) là thông số cho biết nhiệt lượng tối đa tỏa ra khi CPU hoạt động hết công suất.

Chỉ số TDP càng cao thì CPU của bạn càng tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Lúc này bạn sẽ cần những giải pháp làm mát hiệu quả cho máy để tránh gây hư hỏng các linh kiện trong quá trình sử dụng.

Trên thực tế, chỉ số TDP không được đưa ra chính xác cho từng thành phần vì có rất nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến chỉ số này. Tuy nhiên, thông số này vẫn có thể được sử dụng để ước tính điện năng tiêu thụ.

Nhờ vậy, dù giá trị TDP của CPU có chênh lệch so với thực tế thì đây vẫn là nền tảng để bạn cung cấp nguồn điện ổn định và xây dựng hệ thống tản nhiệt phù hợp cho máy.

10. Thương hiệu

Hiện nay có 2 nhà sản xuất CPU cho máy tính để bàn đó là Intel và AMD. Intel đã dẫn đầu thị trường CPU trong nhiều năm và là lựa chọn duy nhất cho các hệ thống lớn. AMD đã từng bị tụt lại, chỉ là lựa chọn hợp lý cho các hệ thống HTPC và các giải pháp tiết kiệm ngân sách.

Tuy nhiên câu chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2017 khi AMD ra mắt dòng Ryzen. Tính đến hiện tại, cả 2 hãng đều đang cạnh tranh nhau quyết liệt trên thị trường CPU. Việc chọn thương hiệu nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yêu tố, kể cả cảm tính.

Bạn cần gì: tốc độ xung nhịp, lõi hay luồng?

Câu trả lời phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu sử dụng của bạn. Một CPU có tốc độ xung nhịp cao đồng nghĩa với khả năng phản hồi nhanh hơn và xử lý các tác vụ đơn luồng tốt hơn.

Mặt khác, hầu hết các tác vụ ngày nay đều sử dụng nhiều lõi và luồng cùng lúc, chẳng hạn như chỉnh sửa video hoặc chơi game.

Đối với đại đa số người dùng, CPU có từ 4 tới 8 lõi và tốc độ xung nhịp ít nhất 3.0 GHz là đã đủ đáp ứng mọi tác vụ từ cơ bản đến nâng cao.

CPU phù hợp cho các loại người dùng

Người dùng thông thường

Nếu là một người dùng thông thường và muốn một chiếc máy tính phục vụ nhu cầu lướt web, làm việc ở nhà và có thể là thi thoảng chơi game thì Intel Core i5 13400F hoặc AMD Ryzen 5 7600X là lựa chọn phù hợp. Chúng đều được trang bị 6 lõi và có khả năng cung cấp hiệu năng tuyệt vời trong khoảng 5 năm tới. Hơn thế nữa, những con Chip này chỉ cần một hệ thống làm mát bình thường.

mua cpu và những điều cần lưu ý 2

Ngoài ra, các sản phẩm thế hệ trước Core i5 12400F và Ryzen 5 5600X có giá thấp hơn đáng kể nhưng vẫn mang đến cho người dùng một hiệu năng khá tốt. Nhược điểm duy nhất của 5600X là sử dụng socket AM4 và không có khả năng nâng cấp. Điều này cũng giống với 13400F khi sử dụng ổ cắm LGA 1700, dự kiến sẽ được thay thế khi các CPU thế hệ tiếp theo của Intel được ra mắt.

Có một điều bạn cần lưu ý nữa là các Chip trên đều không được trang bị card đồ họa tích hợp.

Game thủ

Gaming là một thuật ngữ khá mơ hồ bởi nó có thể là bất cứ thứ gì, từ CS:GO có thể chơi trên hầu hết máy tính và laptop cho đến Cyberpunk 2077 yêu cầu cấu hình PC phải mạnh.

mua cpu và những điều cần lưu ý 2

Đối với việc gaming cao cấp, Core i5 13600K hoặc Ryzen 7 7700X hoặc thậm chí Ryzen 5 7600X là những tùy chọn đáng tham khảo. 13600K với 6 lõi rõ ràng là một lựa chọn tốt hơn, vượt qua 7700X 8 lõi và 7600X 6 lõi khi gaming cũng như các tác vụ khác trong khi giá thành rẻ hơn.

Nếu là một game thủ, bạn nên nhắm tới các CPU có từ 6 lõi trở lên khi kết hợp với GPU mạnh mẽ. Với việc ngày có nhiều game thủ chuyển từ 1080p sang 1440p hoặc thậm chí độ phân giải 4K, trò chơi ngày càng phụ thuộc nhiều vào GPU.

Người sáng tạo nội dung

Đối với những người dùng build một PC để chạy các ứng dụng như Blender, Adobe Premiere Pro và Da Vinci Resolve thì phải cần một CPU mạnh mẽ.

intel core i9 vs amd ryzen 7000 series 1

Core i9 13900K là sự lựa chọn tuyệt vời mặc dù Ryzen 9 7950X có khả xử lý đa luồng tốt hơn, tuy nhiên giá của nó lại cao hơn 13900K.

Nhà nghiên cứu, kỹ sư

Các máy tính để bàn cao cấp (HEDT) dành cho người dùng có các tác vụ đòi hòi hiệu suất cao hơn cả những gì một bộ vi xử lý 16 nhân ngày nay có thể mang lại. AMD hiện là lựa chọn duy nhất cho PC yêu cầu hiệu năng cấp máy chủ với dòng Threadripper PRO.

mua cpu và những điều cần lưu ý 3

Những con Chip này có rất nhiều lõi và luồng từ 16 (5955WX) tới 64 (5995WX) và bộ nhớ đệm L3 lên đến 256MB.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN