Hiện nay switch bàn phím cơ có ba loại chính đó là: linear, clicky và tactitle. Mỗi loại đều có đặc điểm riêng, phù hợp với từng mục đích và nhu cầu cụ thể.
Những khái niệm này có thể gây nhầm lẫn. Nếu là người mới và đang có dự định mua bàn phím cơ thì bạn nên nắm được linear, tactile và clicky switch là gì và khi nào dùng chúng.
Linear Switch
Linear Switch là gì?
Linear switch là loại switch cho cảm giác nhấn mượt mà, ổn định và không có nấc (tactile feedback) mỗi khi nhấn. Loại switch này phù hợp với những bạn không thích tiếng ồn lớn mỗi khi đánh máy.
Linear switch phát ra rất ít tiếng ồn, cảm giác nhấn mượt mà trong cả hành trình phím. Đây là loại switch đặc biệt phù hợp với game thủ bởi sự nhất quán trong mỗi lần nhấn phím, cho phép làm tăng độ chính xác trong trận đấu. Không những vậy, linear switch cũng là lựa chọn tuyệt vời cho những người nhập liệu thích gõ phím êm ái.
Khi nào chọn Linear Switch?
Linear switch rất đáng trải nghiệm. Tuy nhiên có một vài điều bạn cần lưu ý trước khi chọn loại switch này.
Đối với những người chuyển từ bàn phím thường sang bàn phím cơ, có thể sẽ mất một thời gian để làm quen. Hiện tượng nhấn phím đến mức chạm đáy cũng thường xảy ra đối với họ. Và điều này có thể làm các ngón tay bị đau và đôi chút không thoải mái.
Một khi đã quen với lực nhấn của linear switch, bạn sẽ cảm thấy loại switch này quả thực rất thú vị và đáng sử dụng. Tuy nhiên nếu là người lần đầu làm quen với bàn phím cơ thì lời khuyên dành cho bạn đó là không nên chọn bàn phím linear switch.
Linear switch và đặc biệt là linear speed switch rất được cộng đồng game thủ tin dùng. Nếu mục đính sử dụng bàn phím của bạn để chơi game thì bạn có thể thao khảo một số speed switch của Cherry MX và Kailh.
Tactile Switch
Tactile Switch là gì?
Tactile switch là loại switch mỗi khi nhấn cho cảm giác có nấc và tương đối êm ái. Loại switch này mang đến một phản hồi tuyệt vời khi đánh máy. Vì thế người dùng rất dễ dàng nhận biết được phím đã được kích hoạt hay chưa.
Khi nào chọn Tactile Switch?
Tactile switch cũng khá hay và cung cấp một phản hồi tuyệt vời mỗi khi nhấn. Tuy nhiên có một vài điều bạn cần biết trước khi mua bàn phím sử dụng tactile switch.
Điều đầu tiên, tactile switch là loại switch dành cho những bạn lần đầu sử bàn phím cơ. Bởi đây chỉ là phiên bản nâng cấp của bàn phím thường, rất dễ làm quen.
Ai cũng có thể sử dụng tactile switch và tận hưởng phản hồi tuyệt vời mỗi lần gõ phím. Loại switch này không phát ra tiếng ồn lớn như clicky switch. Vì thế bạn có thể thoải mái sử dụng chúng ở những nơi đông người như văn phòng hay trường học.
Clicky Switch
Clicky switch là gì?
Clicky switch là loại switch cho cảm giác gõ có nấc rõ ràng và phát ra âm thanh lớn nhất. Loại switch này rất ồn nhưng bù lại cung cấp phản hồi rất tốt khi gõ.
Khi nào chọn Clicky Switch?
Mặc dù là loại switch cung cấp phản hồi tốt nhất tuy nhiên trước khi mua bàn phím clicky switch bạn cần lưu ý một vài điều.
Yếu tố cần quan tâm nhất đó chính là âm thanh. Nếu làm việc trong môi trường đông người và cần sự yên tĩnh như văn phòng, hay kể cả nói chuyện qua micro thì âm thanh phát ra từ clicky switch có thể làm những người xung quanh mất tập trung.
Mặc dù âm thanh đó nghe có vẻ vui tai và bạn thích nó nhưng người khác thì chắc chắn là không. Nếu làm việc ở nhà hay ở một nơi nào đó riêng tư thì bạn có thể gõ phím một cách thoải mái.
Những điều cần quan tâm trước khi mua switch
Hiện nay trên thị trường bàn phím cơ bày bàn rất nhiều loại switch đến từ nhiều thương hiệu khác nhau. Quen thuộc nhất vẫn là switch của Cherry MX, tiếp đó đến những switch “nhái” của Cherry MX như Gateron, Kailh và Outemu.
Yếu tố quan trọng và cần quan tâm nhất đó chính là cảm giác gõ mỗi khi bạn đánh máy hay chơi game. Một vài yếu tố khác cũng khá quan trọng như độ bền, lực nhấn, độ cứng lò xo và hành trình phím.
Độ bền
Nếu đã quyết định bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ để sở hữu một chiếc bàn phím cơ thì chắc chắn bạn muốn nó sử dụng được ít nhất là vài năm. Độ bền của bàn phím cơ dựa vào nhiều yếu tố như chất liệu, tần suất sử dụng,… Một trong số đó là switch.
Tuổi thọ của switch được tính theo số lần nhấn. Hầu hết các switch hiện nay đều hỗ trợ khoảng 50 triệu lần nhấn trở lên. Riêng switch của Cherry MX có tuổi thọ trung bình cao nhất lên đến 100 triệu lần nhấn. Và khi đã vượt qua con số đó thì bàn phím vẫn hoạt động bình thường, chỉ có điều là cảm giảm gõ không được như ban đầu.
Một vấn đề khác nữa cũng liên quan đến switch đó là key chatter. Tức là khi nhấn một lần nhưng bàn phím lại hiểu là bạn nhấn hai lần liên tiếp. Điều này sẽ làm bạn cực kỳ khó chịu. Vì thế hãy kiểm tra thật kỹ trước khi mua.
Độ cứng lò xo
Nếu là người có bàn tay to hay có thói quen gõ phím nặng thì bạn cần một switch có lò xo đủ cứng để đáp ứng nhu cầu của bạn.
Lò xo càng cứng thì bạn cần càng nhiều lực hơn để nhấn. Điều này sẽ giúp bạn ít gõ sai hơn, tuy nhiên nếu chưa quen thì có thể mỏi tay khi đánh máy trong một khoảng thời gian dài.
Mặt khác, nếu bạn có bàn tay nhỏ và đã quen gõ phím nhẹ rồi thì một chiếc lò xo mềm nằm trong switch sẽ phù hợp hơn. Dù sao thì cũng nên thử một vài loại switch mà bạn quan tâm trước khi mua bàn phím để không mất công đổi bàn phím sau này.
Hành trình phím
Hành trình phím là quãng đường ngón tay của bạn di chuyển mỗi lần gõ phím. Quãng đường này phụ thuộc vào loại switch cũng như bàn phím.
Chẳng hạn như speed và low-profile switch sẽ có hành trình ngắn hơn các loại switch khác. Lợi ích của loại switch này chính là sự nhỏ gọn của chúng, làm cho bàn phím nhẹ và đỡ cồng kềnh hơn. Và theo lý thuyết thì loại switch này có phản hồi nhanh hơn các loại switch khác, làm tăng hiệu suất khi chơi game.
Những switch bình thường thì có hành trình dài hơn, tuy nhiên lại cho cảm giác gõ quen thuộc và thoải mái hơn spee hay low-profile switch. Vì thế bạn sẽ phải đánh đổi cảm giác gõ và hành trình phím, tốc độ phản hồi.
Ý nghĩa các loại màu của switch
Màu | Loại | Lực nhấn |
Red | Linear | Thấp |
Yellow | Linear | Vừa phải |
Black | Linear | Cao |
Brown | Tactile | Vừa phải |
Clear | Tactile | Cao |
Blue | Clicky | Vừa phải |
Green | Clicky | Cao |
Khi đang chọn mua hay xem review bàn phím cơ thì bạn thường nghe thấy các màu sắc khác nhau của switch. Tuy nhiên bạn không biết được ý nghĩa của từng màu là gì.
Cherry MX là hãng đã bắt đầu cho trào lưu đặt tên cho các loại switch dựa vào loại, lực nhấn và độ cứng của lò xo bằng màu sắc. Ví dụ như Cherry MX Red switch ám chỉ loại switch có lực nhấn thấp, Cherry MX Brown switch ám chỉ loại switch có lực nhấn vừa phải.
Những thương hiệu khác cũng học theo cách đặt tên switch này của Cherry MX. Vì thế hầu hết màu sắc switch của các hãng khác nhau nhưng lại có đặc điểm tương tự nhau.