GPU là một thành phần vô cùng quan trọng của máy tính, đặc biệt đối với các tác vụ nặng về đồ họa như chỉnh sửa video hoặc gaming. Một khía cạnh thường được bàn luận đến của GPU đó là kích thước. Một trong số đó là câu hỏi liệu kích thước GPU có ảnh hưởng tới hiệu năng? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng bài viết đi tìm hiểu nhé.
Các loại GPU Form Factor
Có 3 loại GPU Form Factor chính ảnh hưởng tới kích thước của Card đồ họa.
- Mini hay Compact GPU: Với kích thước khoảng 170mm, các GPU mini như Zotac GeForce GTX 1650 OC được thiết kế để phù hợp với các thùng máy có kiểu dáng nhỏ gọn (Mini-ITX). Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng hiệu năng của chúng cũng khá đáng nể.
- Mid-Size GPU: Các GPU Mid-Size thường có kích thước khoảng 200mm tới 270mm, cân bằng giữa kích cỡ và hiệu năng. Những GPU loại này chẳng hạn như ASUS TUF Gaming GeForce RTX 3060 thường được trang bị hệ thống tản nhiệt cũng như hiệu năng tốt hơn so với các GPU mini, khiến chúng phù hợp với các hệ thống build ATX.
- Full-Size hay Large GPU: Các GPU Full-Size thường có kích thước hơn 270mm, một vài loại còn vượt 300mm (Nvidia’s RTX 4090). Những GPU này thường có phần cứng mạnh nhất và yêu cầu thùng máy lớn hơn để phù hợp với kích thước và hệ thống làm mát của Card đồ họa.
3 cách GPU Form Factor ảnh hưởng đến hiệu năng
Như đã đề cập ở trên, kích thước của GPU có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất. GPU lớn hơn sẽ có nhiều không gian hơn cho các thành phần, từ đó mang lại hiệu suất cao hơn cho người dùng.
Càng nhiều thành phần, hiệu năng càng tốt
Chiều dài vật lý của GPU ảnh hưởng đến kích thước của Card đồ họa, bao gồm chiều dài, chiều rộng và đôi khi là độ dày. Kích thước có thể khác nhau từ nhỏ gọn, một khe cắm cho đến các mẫu cao cấp chiếm nhiều khe cắm (cổng PCIe nơi lắp đặt Card màn hình).
GPU mạnh mẽ có bảng mạch lớn hơn để lưu trữ các chip bộ nhớ, bổ sung thêm các bóng bán dẫn và các giải pháp làm mát phức tạp cần thiết để mang lại hiệu suất tốt nhất.
Như vậy, Card đồ họa cao cấp có xu hướng dài hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Card màn hình càng dài càng mạnh. Hiệu năng Card đồ họa 2 quạt có thể hơn 3 quạt và ngược lại.
Hệ thống làm mát
GPU càng lớn thì càng cần được làm mát tốt hơn. Khi hoạt động, GPU sẽ sinh ra một lượng nhiệt đáng kể. Lượng nhiệt này cần được tản một cách hợp lý để tránh hư hỏng và duy trì hiệu suất. Các nhà sản xuất GPU phát triển các giải pháp làm mát phức tạp thường liên quan đến tản nhiệt và nhiều quạt, với một số Card đồ họa được trang bị lên đến 3 quạt.
GPU lớn hơn có thể chứa các hệ thống làm mát hiệu quả hơn, cung cấp nhiều không gian hơn cho các bộ tản nhiệt cỡ lớn, đồng thời mang lại diện tích bề mặt lớn hơn để tản nhiệt. Chúng cũng có thể chứa được nhiều quạt hơn, có thể di chuyển nhiều không khí hơn và giúp GPU mát hơn, giúp duy trì hiệu suất ổn định. GPU càng mát thì hiệu năng Card màn hình càng tốt.
Nguồn cung cấp
Nguồn cung cấp là một yếu tố khác bị ảnh hưởng bởi chiều dài GPU. Các GPU hiệu suất cao yêu cầu một lượng điện năng đáng kể và các thành phần chịu trách nhiệm cung cấp điện năng, chẳng hạn như Mô-đun điều chỉnh điện áp (Voltage Regulator Modules) đều được đặt trên chính GPU.
GPU có kích thước lớn hơn có thể đáp ứng các hệ thống phân phối điện năng mạnh mẽ, cho phép phân phối điện ổn định hơn, điều này đặc biệt có lợi cho việc ép xung.
GPU càng lớn cũng đi kèm với nhiều vấn đề. Vào cuối năm 2022, có nhiều báo cáo rằng RTX 4090 của NVIDIA làm chảy đầu nối nguồn. Trọng lượng lớn (từ 1,8 đến 2,2kg) kết hợp với đầu nối nguồn mới đã gây ra nhiều vấn đề cho RTX 4090.
Kích thước GPU ảnh hưởng tới PC case như thế nào?
Kích thước vật lý của GPU, đặc biệt là chiều dài của nó đóng vai trò then chốt trong việc lựa chọn case máy tính. Vỏ máy tính được thiết kế để thích hợp với các loại GPU khác nhau, cụ thể hơn là bo mạch chủ. Vì vậy, bạn cần cân nhắc điều này khi có ý định build một dàn PC.
Small Form Factor
Small Form Factor case thường được thiết kế nhỏ gọn và tiết kiệm không gian. Chúng thường phù hợp với các GPU nhỏ có kích thước khoảng 170mm.
Do có kích thước nhỏ gọn, SFF case rất phù hợp cho các dàn PC mini-ITX hoặc các tình huống không gian hạn chế. Tuy nhiên thiết kế nhỏ gọn của vỏ máy cũng hạn chế khả năng làm mát và tùy chọn nâng cấp.
Mid-Tower
Mid-Tower case là loại PC build phổ biến nhất. Lý do là bởi nó mang đến sự cân bằng giữa kích thước và khả năng mở rộng, đồng thời có thể chứa các GPU cỡ trung bình đến lớn từ 200 tới 270mm. Các thùng máy Mid-Tower có nhiều không gian cho hệ thống tản nhiệt và các linh kiện khác, khiến chúng trở thành lựa chọn phổ biến dành cho người dùng thông thường đến các chuyên gia.
Full-Tower
Full-Tower case là loại vỏ máy lớn nhất. Chúng có thể chứa các GPU lớn nhất trên thị trường, ngay cả những bộ xử lý đồ họa dài hơn 300mm. Loại thùng máy này có nhiều không gian cho hệ thống làm mát và các linh kiện. Tuy vậy, chúng lại chiếm một không gian không hề nhỏ trên bàn làm việc hoặc trong phòng.
Khi chọn vỏ case, việc kiểm tra độ dài GPU tối đa mà thùng máy có thể chứa là điều cần thiết.