Khi đi mua bất kỳ thiết bị nào bạn cũng cần phải quan tâm đến các thông số kỹ thuật của nó. Một khi đã nắm được những thông số này, bạn sẽ dễ dàng chọn được một thiết bị ưng ý nhất.
Chuột gaming cũng không ngoại lệ, nó chính là cánh tay phải của các game thủ. Dựa trên nhu cầu cũng như các thể loại game (FPS, MOBA,…) mà người dùng có những sự lựa chọn khác nhau.
Chuột gaming là gì?
Chuột gaming là để dành riêng cho các game thủ với tính năng, độ bền và thiết kế vượt trội hoàn toàn so với loại chuột thông thường. Một số dòng chuột gaming cao cấp còn đi kèm với phần mềm giúp người dùng có thể tự customize các thông số sao cho phù hợp và thoải mái nhất.
Các thông số kỹ thuật của chuột gaming
Cảm biến
Cảm biến là bộ phận không thể thiếu của chuột đồng nghĩa với việc chuột sẽ không sử dụng được nếu như thiếu nó. Phần cảm biến sẽ đảm nhiệm công việc theo dõi chuyển động của chuột trên một bề mặt và gửi thông tin cho máy tính biết được vị trí chính xác của con trỏ trên màn hình.
Có hai loại cảm biến phổ biến hiện nay là quang học và laser. Trong quá khứ, chuột sử dụng một viên bi cao su để phát hiện chuyển động, công nghệ đó ngày nay đã không còn dùng nữa.
Chuột cảm biến laser có thể hoạt động tốt trên mọi bề mặt. Trong khi đó chuột quang lại rất kén bề mặt tiếp xúc và thường hoạt động tốt trên các bề mặt cao su có độ bám tốt.
DPI/ CPI (Dots Per Inch/ Counts Per Inch)
DPI và CPI đều là những chỉ số liên quan đến độ nhạy của chuột. Nói một cách dễ hiểu thì đó là quãng đường con trỏ chuột di chuyển được trên màn hình tương ứng với mỗi inch mà con chuột di chuyển được ở ngoài thực tế.
DPI càng cao thì độ nhạy càng tốt. Nếu cùng với một quãng đường di chuột, DPI càng cao thì quãng đường con trỏ chuột di chuyển trên màn hình càng nhiều.
Một chuột gaming tốt sẽ luôn có nút điều chỉnh tăng giảm DPI/ CPI. Với việc chỉ cần nhấn nút ngay trên chuột để điều chỉnh độ nhạy, người dùng sẽ dễ dàng có được DPI/ CPI mong muốn.
Độ phân giải màn hình cũng là yếu tố ảnh hưởng đến độ nhạy chuột. Nếu cùng DPI, quãng đường di chuyển của con trỏ trên màn Full HD sẽ xa hơn trên màn 4K. Đó là do màn hình độ phân giải 4K có nhiều điểm ảnh hơn.
Đối với các game thủ chuyên nghiệp thì DPI thường dao động từ 400 – 800. Còn với người dùng thông thường thì DPI khoảng 1000 là đủ. Tuy nhiên, trong trường hợp màn hình có độ phân giải cao thì bạn cần tăng mức DPI để tiện hơn trong quá trình sử dụng.
Polling Rate
Polling Rate hay Refresh Rate cho chúng ta biết tần số mà sensor có thể lấy mẫu trong 1 giây. Tùy theo các hãng sản xuất, chúng thường được gọi là Polling Rate hay Refresh Rate.
Một vài Polling Rate phổ biến:
- 1000Hz
- 500Hz
- 250Hz
- 125Hz
Thông số Polling Rate càng cao thì tốc độ phản hồi của máy tính với sự dịch chuyển của chuột càng nhanh. Nhưng không phải cứ Refresh Rate cao là tốt.
Một chuột gaming có Polling Rate 1000Hz tức là nó sẽ phải báo cáo vị trí của mình 1000 lần mỗi giây cho máy tính hay 60.000 lần một phút. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến CPU.
Trong trường hợp Polling Rate của chuột cao làm giảm hiệu năng của CPU, hãy giảm nó đi đến mức chấp nhận được. Nếu không máy tính cũng như game có thể bị lag làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn.
Maximum Tracking Speed (IPS)
IPS (Inch Per Second) là đơn vị thể hiện tốc độ theo dõi tối đa chuột. Đây là tốc độ di chuột tối đa mà mắt đọc của chuột có thể theo dõi một cách chính xác.
Thông số này cũng có mối liên quan đến DPI. Nói một cách khác DPI tỉ lệ thuận với IPS. Nếu là một game thủ FPS thì bạn sẽ cần một con chuột có mức IPS 150 trở lên để đảm bảo mọi thao tác của bạn đều không nằm ngoài giới hạn của con chuột.
Một vài IPS phổ biến:
- 150 IPS
- 250 IPS
- 450 IPS
- 650 IPS
Thiết kế
Chuột gaming thường có thiết kế hầm hố với hệ thống đèn LED RGB rực rỡ có thể điều chỉnh bằng phần mềm. Tuy có kiểu dáng độc đáo nhưng đó là dụng ý của nhà sản xuất nhằm hướng đến một nhóm đối tượng cụ thể.
Chất liệu để làm ra chuột gaming là nhựa cứng bởi nó nhẹ và chi phí sản xuất thấp. Tuy làm bằng nhựa nhưng độ hoàn thiện lại rất tốt, độ bền cao và dễ dàng cầm nắm.
Trong quá trình chơi game việc lòng bàn tay bị chảy mồ hồ là điều không chánh khỏi. Vì thế việc một con chuột có thể dễ dàng nắm chặt và không bị trượt ra khỏi lòng bàn tay là điều rất quan trọng.
Mỗi người có kích thước bàn tay khác nhau vì vậy hãy chọn một con chuột phù hợp với bạn nhất. Một số chuột gaming được thiết kế thuận cho cả hai bàn tay.
Có ba kiểu cầm nắm chuột phổ biến:
Palm: Đây là kiểu cầm mà cả bàn tay bạn ôm hết vào thân chuột, những con chuột có thân lớn và thiết kế độc đáo sẽ rất thích hợp với kiểu cầm này.
Claw: Kiểu cầm này có đặc trưng là phần lòng bàn tay và các đầu ngón tay tiếp xúc với thân chuột, thường những con chuột có kích cỡ trung bình sẽ thuận tiện nhất cho kiểu cầm này.
Fingertip: Kiểu cầm chuột này bạn sẽ chỉ tiếp xúc với chuột ở các đầu ngón tay, vì vậy những con chuột có kích thước nhỏ nhắn và khối lượng nhẹ là rất lý tưởng.
Frame Per Second (FPS)
Frame Per Second là thông số cho biết khả năng xử lý dữ liệu mà cảm biến đã thu được. Chỉ số này cho biết số khung hình tối đa mà cảm biến chuột quét được trong 1 giây.
Nguyên tắc cũng như bản chất của cảm biến quang học là dựa vào sự phản xạ của ánh sáng để lưu giữ hình ảnh. Dựa vào các hình ảnh đó để tìm ra được vị trí cũng như hướng di chuyển của con trỏ chuột.
FPS càng cao đồng nghĩa với số lượng hình ảnh sẽ nhiều hơn. Như vậy, thao tác của người chơi sẽ chính xác hơn. Đây là thông số cực kì quan trọng trong mỗi con chuột gaming.
Lift Off Distance (LOD)
Lift Off Distance là thông số cho biết độ cao tối đa đo được giữa chuột và bề mặt di chuyển của chuột khi người dùng nâng chuột lên, cảm biến vẫn còn hoạt động.
Đơn vị của LOD được tính bằng mm. Trong quá trình chơi game, người chơi thường nhấc chuột lên, hạ chuột xuống rất nhiều lần. Bởi thế, thông số LOD càng thấp càng tốt.
Điều này nhằm đảm bảo không có sự dao động nào xảy ra trong quá trình game thủ nhấc chuột. Nếu LOD cao, khi nhấc chuột lên, cảm vẫn còn hoạt động, theo dõi bề mặt. Lúc này sẽ xảy ra tình trạng rung lắc hoặc di chuyển.
Đây là điều không hề mong muốn của bất cứ người chơi nào. Hiện nay, những dòng chuột gaming cao cấp đều có thông số LOD cực thấp. Thông thường, con số này chỉ dao động từ 1.5 – 2.5 mm.
Gia tốc
Gia tốc chuột (Acceleration) chính là tính năng khiến quãng đường dịch chuyển tỉ lệ thuận với tốc độ di chuột. Điều này có nghĩa là, cùng một khoảng cách rê chuột, nếu người dùng rê nhanh hơn thì con trỏ chuột sẽ đi được xa hơn.
Gia tốc chuột càng lớn thì sự chênh lệch này càng cao. Nếu có sự xuất hiện của gia tốc, con trỏ chuột của bạn sẽ bị đưa đến vị trí không mong muốn. Do vậy, hầu như tất cả các game thủ đều đã loại bỏ tính năng này trong quá trình thi đấu.
Trong driver các loại chuột gaming đều có thể dễ dàng loại bỏ gia tốc. Tuy nhiên, trong Windows, gia tốc vẫn còn tồn tại. Nếu muốn loại bỏ chúng, cần phải Registry hay chèn lệnh vào Launch icon trong game.
Auto Correction
Auto Correction hiểu nôm na là chức năng tự động khiến con trỏ chuột di chuyển theo đường thẳng. Kể cả khi bạn di chuyển chuột theo đường nằm nghiêng 1 góc nhỏ so với phương ngang hoặc phương thẳng đứng.
Để kích hoạt được chức năng này, hãy vào mục Mouse Option của Windows sau đó bật tính năng Enhance Pointer Precision. Ngay lập tức, bạn sẽ thấy được điều này.
Nếu chỉ số này càng cao thì góc này sẽ càng lớn. Và khả năng di chuyển của chuột sẽ chính xác hơn. Nếu bạn là dân chơi game, sẽ không quá xa lạ với tình huống cần phải kéo con trỏ chuột theo góc hơi chếch để ghìm súng. Hoặc khi spray những unit gần sát nhau thì tính năng này sẽ vô cùng hữu ích.
Có dây hay không?
Mặc dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu chuột gaming không dây nhưng lựa chọn của các game thủ lại là chuột gaming có dây. Điều này đơn giản là vì chuột có dây sẽ có kết nối ổn định hơn chuột không dây.
Các thiết bị kết nối không dây thường có độ trể nhất định, chuột cũng không ngoại lệ. Yếu tố này đối với game thủ là không thể chấp nhận được, nhất là trong những tựa game góc nhìn thứ nhất. Năng lượng cung cấp cho chuột không dây là những viên PIN, hãy cân nhắc việc phải sạc và thay PIN.
Còn đối với chuột có dây bạn cũng cần lưu ý xem dây có dài và được bọc dù hay không. Việc dây cáp được bọc dù không những làm tăng tính thẩm mỹ mà còn tăng độ bền bởi dây là một phần rất dễ bị hỏng, đứt. Dây ngắn quá có thể khiến bạn khó khăn trong việc đi dây.
Nút chức năng
Ngoài 3 nút kinh điển giống như chuột thông thường (trái, phải, cuộn) thì chuột gaming sẽ có các nút ở phần cạnh được thiết kế để ngón trỏ có thể nhấn dễ dàng. Số lượng có thể lên đến hàng chục nút.
Các nút phụ này có thể có những tính năng tương tự như trên bàn phím, giúp game thủ thao tác nhanh hơn mà vẫn tập trung vào trận đấu được.
Khối lượng
Về cơ bản, hầu hết đều thích chuột nhẹ. Không phải cứ nặng mới là chuột ngon, là được hoàn thiện tốt. Điều đó còn phụ thuộc vào chất liệu và thiết kế của chuột nữa.
Chuột nhẹ hơn sẽ cho phép bạn thao tác nhanh hơn, lâu bị mỏi tay hơn. Chuột nặng hơn sẽ giúp bạn thao tác chính xác hơn, đường di chuột sẽ êm hơn nhưng cũng làm cho thao tác của bạn kém nhạy bén và nhanh bị mỏi tay hơn.
Một số chuột cũng có thể thay đổi khối lượng nhờ vào việc có thể thay thế các nút chức năng.
Phân loại chuột gaming theo khối lượng:
- Siêu nhẹ: < 80g
- Nhẹ: 80 tới 100g
- Bình thường: 100 tới 120g
- Nặng: > 130g
Đèn nền RGB
Đèn LED RGB là một trong những phần được ưa thích của chuột gaming. Các đèn sẽ được lắp xung quanh chuột, phát sáng với nhiều màu sắc khác nhau tạo nên một không gian vô cùng gaming.
Hầu hết hệ thống đèn nền của chuột gaming có thể tạo ra 16 triệu màu. Việc biến đổi màu sắc có thể điều chỉnh được qua phần mềm, tạo ra một hiệu ứng đúng với sở thích của bạn.
Mỗi chuột đều có vị trí lắp đèn khác nhau. Vì vậy hãy chọn loại phù hợp nhất với bạn.