Chuột có dây và không dây: Ưu nhược điểm

Chuột có dây và không dây: Ưu nhược điểm

Trở về Blog | Đăng bởi vào ngày 24/10/21

Chia sẻ bài viết :

Nhiều năm về trước, khi mà chuột không dây chưa được phát triển như thời điểm hiện tại thì chuột có dây là ưu tiên hàng đầu của người dùng, nhất là các game thủ. Kết nối bị trễ và không ổn định là những điều họ không thể chấp nhận được. Ngày nay với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các hãng sản xuất gaming gear nổi tiếng như Logitech, Razer,… đã tạo ra những con chuột gaming không dây với hiệu năng và độ ổn định không kém gì chuột có dây.

Mặc dù khoảng cách giữa chuột có dây và không dây đang ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi nên chọn loại chuột nào để chơi game. Dưới đây là ưu nhược điểm của từng loại, giúp bạn có cái nhìn tốt nhất về chúng. Từ đó dễ dàng mua được chuột gaming phù hợp với bản thân.

Chuột có dây

Chuột có dây logitech g pro

Chuột có dây vẫn được tin dùng hơn chuột không dây trong giới gaming bởi tính thiết thực và độ ổn định kết nối tuyệt vời. Mặc dù được xem là công nghệ cũ, một số chuột có dây vẫn có những tính năng mà chuột không dây không có được. Chuột không dây đã, đang và sẽ phát triển trong tương lai, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại chuột có dây vẫn phổ biến hơn.

Ưu điểm của chuột có dây

Sự tiện lợi

Chuột có dây rất dễ sử dụng, chỉ cần cắm đầu cáp vào cổng USB máy tính là dùng được. Không cần lo lắng về pin cũng như mất kết nối khi đang sử djng. Chuột có dây là sự lựa chọn tuyệt vời với những bạn thích sự ổn định.

Giá thành

Trong cùng phân khúc, chuột có dây luôn rẻ hơn chuột không dây bởi chúng không cần nhiều công nghệ tích hợp để hoạt động. Tuy nhiên chuột không dây đang ngày càng phổ biến trên thị trường, khoảng cách giá giữa chúng và chuột có dây sẽ dần được thu hẹp.

Tốc độ

Những con chuột không dây và có dây cao cấp đều có tốc độ tương tự nhau, sự khác biệt duy nhất đến từ cách người dùng chọn chuột nào mà thôi.

Lấy ví dụ với hai phiên bản có dây và không dây của Logitech là G Pro. Cả hai đều dùng cảm biến có chỉ số DPI là 25,600 và thời gian phản hồi 0.001s.

SteelSeries tạo ra hai phiên bản có dây và không dây cho model Aerox and Rival 3. Cả hai đều có tốc độ phản hồi 0.001s. Sự khác biệt đến từ cảm biến. Model có dây có chỉ số CPI khoảng 18,000 trong khi đó 8,500 là CPI của model không dây. Tuy nhiên model không dây lại đắt hơn phiên bản có dây.

Razer đã giới thiệu chuột có dây Viper 8KHz vào đầu năm 2021. Đây là chuột đầu tiên trên thế giới đạt được chỉ số Polling Rate là 8,000Hz. Tức là trong một giây chuột sẽ gửi thông tin đến máy tính 8,000 lần, thời gian phản hồi là 0.125ms.

Những ví dụ trên cho ta thấy tốc độ giữa chuột có dây và không dây là tương tự nhau. Nếu nhiều hãng sản xuất chuột tạo ra chuột có Polling Rate 8,000Hz thì vị thế của chuột có dây còn được giữ trong thời gian dài.

Nhược điểm của chuột có dây

Thoải mái

Điểm yếu của chuột có dây chính là “có dây”. Việc phải đi dây hay thi thoảng gỡ rối dây cáp đôi khi khiến bạn cảm thấy khó chịu. Hiện nay, dây cáp có thể tháo rời trên nhiều loại chuột, tuy nhiên giá cả của chúng lại khiến bạn phải quan tâm.

Độ bền

Dây cáp chính là phần dễ bị tổn thương nhất của chuột có dây. Nếu bạn là người thường xuyên phải di chuyển thì chuột có dây không phải là lựa chọn phù hợp bởi dây cáp dễ bị đứt và rối khi mang đi.

Tuy nhiên chuột có thể tháo rời dây cáp sẽ giảm thiểu vấn đề trên. Và nếu dây cáp có bị hỏng thì sẽ dễ dàng thay thế hơn.

Phạm vi sử dụng

Độ dài của dây cáp chính là phạm vi sử dụng của chuột có dây. Nếu bạn ngồi xa máy tính hoặc muốn kết nối đến TV thì chuột có dây là sự lựa chọn không tốt. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề của các game thủ bởi họ luôn ngồi cạnh máy tính và màn hình.

Chuột không dây

Chuột không dây logitech g pro

Trong giới game thủ, chuột không dây ít được sử dụng hơn chuột có dây. Những sản phẩm chuột gaming ngày trước thường sử dụng một đầu thu (receiver) tín hiệu và gây ra nhiều vấn đề về tín hiệu và kết nối. Tuy nhiên chuột gaming không dây ngày nay sử dụng tần số 2.4GHz cho phép chúng có thể giao tiếp với máy tính 1000 lần trên giây. Mặc dù chuột có dây vẫn đang được ưa chuộng hơn nhưng với sự phát triển của công nghệ thì khoảng cách sẽ gần được thu hẹp.

Ưu điểm của chuột không dây

Linh hoạt

Nói về tính linh hoạt thì chuột có dây không thể nào bằng chuột không dây được. Không gian di chuột sẽ không bị giới hạn bởi dây cáp.

Tốc độ

Khác biệt về tốc độ giữa chuột không dây và có dây không còn là yếu tố được nhắc tới nhiều nữa, nhất là ở thời điểm hiện tại. Chuột không dây cao cấp có thể có cùng tốc độ với chuột có dây trong cùng phân khúc. Nhiễu tín hiệu cũng không còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên nó còn tùy thuộc vào chuột bạn đang sử dụng.

Các hãng sản xuất chuột gaming nổi tiếng đã ứng dụng những công nghệ như Hyperspeed và Lightspeed để loại bỏ nhiễu. Razer sử dụng công nghệ Hyperspeed, cho phép chuột chuyển đổi giữa các dải tần số để tránh nhiễu tín hiệu. Logitech ứng dụng công nghệ Lightspeed để giữ thời gian phản hồi dưới 0.001s và duy trì ổn định kết nối. Cả hai công nghệ trên đều đảm bảo chuột có thời gian phản hồi nhanh nhất mà không có hiện tượng giật lag hay trễ.

Phạm vi sử dụng

Ngày nay chuột không dây có phạm vi sử dụng lên đến 10m và còn có thể tăng trong tương lai. Vì thế chúng là lựa chọn lý tưởng khi bạn ở xa thiết bị kết nối như PC hay TV.

Nếu muốn tăng phạm vi sử dụng thì bạn có thể dùng một sợi dây cáp mở rộng (extender cable). Một đầu cắm vào PC, đầu còn lại bạn có thể cắm đầu thu của chuột vào. Cáp mở rộng có thể được tặng kèm khi mua chuột.

Độ bền

Do không sử dụng dây cáp nên chuột không dây là lựa chọn tốt khi bạn thường xuyên di chuyển. Tuy nhiên một số chuột sử dụng dây cáp hay dock để sạc, điều này sẽ khiến người dùng tốn thêm một khoản nếu dây cáp bị hỏng.

Nhược điểm của chuột không dây

Tuổi thọ PIN

Để hoạt động được thì chuột không dây cần năng lượng đến từ những viên PIN. Một số chuột không dây có thể sạc PIN, một số có thể phải thay PIN. Và bất cứ chuột không dây nào sau một thời gian sử dụng đều hết PIN.

Nhằm tránh những vấn đề không mong muốn về PIN, nhiều nhà sản xuất đã thêm một cáp USB để sạc trong quá trình sử dụng. Cáp USB sẽ giúp chuột tránh khỏi việc bị sập nguồn.

Nhìn chung tuổi thọ PIN của chuột không dây tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn là điểm yếu của dòng sản phẩm này. Một vài chuột không dây sử dụng những viên PIN AA giá rẻ và có thể dễ dàng thay thế như Logitech G305. Model cao cấp như G502 Lightspeed sử dụng PIN đắt tiền lithium-polymer và không thể thay được.

Giá thành

Với cùng một model, phiên bản chuột không dây luôn đắt hơn chuột có dây. Và không phải cứ giá cao hơn là ngon hơn. Phụ kiện đi kèm cũng được tính vào giá khi mua chuột. Một số nhà sản xuất còn bán riêng dock sạc.

Khối lượng

PIN sẽ làm tăng đáng kể khối lượng, chưa kể những con chip được tích hợp trên chuột không dây. Đây sẽ không là vấn đề nếu bạn thích cầm những con chuột nặng và đầm tay. Tuy nhiên nếu bạn không thích cầm thứ gì đó nặng tay thì nên chọn chuột có dây.

Đầu thu

Nhiều chuột không dây sử dụng đầu thu để thiết lập kết nối với PC. Nếu không may làm mất đầu thu, bạn sẽ phải thay cả chuột nữa. Để khắc phục vấn đề này, một số sản phẩm đã có túi đựng đi kèm để cất đầu thu. Logitech đã bán ra thị trường bộ đầu thu cho phép nhiều thiết bị ngoại vi hoạt động trên cùng một receiver.

Nhiễu tín hiệu

Nếu có nhiều thiết bị ở gần cùng kết nối thì có thể gây ra hiện tượng nhiễu tín hiệu. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ thì vấn đề này gần như đã đi vào dĩ vãng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN