Bạn đang có ý build một bộ PC nhưng lại không biết phải chọn mua RAM như thế nào? Hay có thể bạn đang muốn nâng cấp RAM nhưng hoàn toàn bị choáng ngợp bởi những tùy chọn có sẵn ngoài thị trường?
Dù cho trong hoàn cảnh nào thì việc chọn được một thanh RAM ưng ý và phù hợp với nhu cầu cá nhân không hề dễ dàng một chút nào.
Hiện nay ngoài thị trường có rất nhiều thương hiệu RAM nổi tiếng. Không chỉ vậy mà ở thời điểm hiện tại nên chọn RAM DDR4 hay DDR5. Dung lượng bao nhiêu là đủ? Cònđộ trễ và xung nhịp thì sao?
Để trả lời tất cả các câu hỏi trên, bài viết sẽ mang đến cho bạn hướng dẫn mua RAM thế nào cho chuẩn nhất.
Các tiêu chí mua RAM máy tính
Khi có ý định mua hoặc nâng cấp RAM, bạn cần xem xét rất nhiều yếu tố. Mỗi yếu tố có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của bạn.
1. Khả năng tương thích với bo mạch chủ
Đầu tiên, bạn cần xem qua các thông số kỹ thuật của bo mạch chủ và từ đó tìm ra loại RAM nào mà motherboard hỗ trợ. Nếu đang build một PC hoàn toàn mới, thì tốt nhất bạn nên mua bo mạch chủ trước, sau đó mới chuyển sang RAM.
Bằng cách xem khả năng tương thích của mainboard, bạn sẽ biết mình cần sử dụng RAM DDR4 hay DDR5. Hơn nữa bạn cũng có thể biết được dung lượng và tần số tối đa mà bo mạch chủ hỗ trợ.
Nếu muốn đạt được hiệu năng tốt nhất cũng như có thể sử dụng lâu dài thì bạn nên chọn một bo mạch chủ hỗ trợ chuẩn DDR5 và chọn cho mình những thanh RAM đời mới nhất. Tuy nhiên nếu có ngân sách hạn hẹp và bạn chỉ muốn có một dàn PC tầm trung thì DDR4 đã là quá đủ.
2. Bạn sẵn sàng chi bao nhiêu?
Khi nói về ngân sách, bạn cũng cần xác định chính xác số tiền có thể bỏ ra là bao nhiêu để mua RAM. Hiện tại RAM DDR5 có giá cao hơn so với DDR4, đổi lại bạn sẽ có hiệu năng tốt hơn.
3. Có bao nhiêu mô-đun bộ nhớ?
RAM thường đi theo kit (bộ) với nhiều cấu hình khác nhau. Ví dụ 1 kit có thể có 2 hoặc 4 thanh RAM. Về cơ bản, nếu mua 16GB RAM DDR5, kit gồm 2 mô-đun thì bạn sẽ nhận được 2 thanh RAM với mỗi thanh có dung lượng 8GB.
Trước khi quyết định mua bao nhiêu mô-đun RAM, bạn cần kiểm tra xem bo mạch chủ hỗ trợ bao nhiêu khe cắm DIMM. Bằng cách này, bạn có thể biết được mình có thể lắp bao nhiêu thanh RAM trên bo mạch chủ.
Bạn nên cố gắng mua 1 kit có ít nhất 2 thanh RAM. Điều này sẽ giúp RAM hoạt động theo kiểu kênh đôi (dual-channel), từ đó sẽ tối ưu hiệu năng hơn.
Có một điều bạn cần lưu ý đó là nếu motherboard hỗ trợ 4 khe DIMM, trước khi lắp RAM, bạn cần tham khảo sách hướng dẫn sử của nhà sản xuất bo mạch chủ để biết khe cắm nào hỗ trợ dual-channel.
4. AMD EXPO vs Intel XMP
Cả AMD EXPO và Intel XMP đều tập trung vào một việc đó là thay đổi cấu hình mặc định bộ nhớ để giúp tối ưu hiệu năng RAM (tăng xung nhịp và giảm độ trễ).
Do đó các cấu hình có sẵn của AMD EXPO và Intel XMP giúp người dùng dễ dàng “ép xung” hơn mà không cần phải điều chỉnh thông số kỹ thuật một cách thủ công. Bạn sẽ không cần phải điều chỉnh điện áp, tốc độ xung nhịp, độ trễ. Thay vào đó chỉ cần chọn những cấu hình có sẵn mà nhà sản xuất cung cấp.
Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ đó là nên chọn AMD EXPO hay Intel XMP. Bạn có thể sử dụng RAM AMD EXPO trên bo mạch chủ Intel và ngược lại. Cả 2 trường hợp RAM đều hoạt động bình thường và có thể vào BIOS và kích hoạt công nghệ EXPO hoặc XMP để tối ưu RAM.
Vì vậy việc chọn AMD EXPO hay Intel XMP sẽ tùy thuộc vào sở thích của bạn mà thôi.
5. Thông số kỹ thuật
Mỗi thanh RAM đều có những thông số kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, trước khi mua RAM, bạn cần biết chúng là gì và tầm quan trọng của chúng như thế nào đối với hiệu năng của mô-đun RAM đó.
5.1 Dung lượng
Đầu tiên và quan trọng nhất đó là dung lượng. Bạn cần dung lượng bộ nhớ RAM bao nhiêu là đủ cho nhu cầu cá nhân và công việc? Nếu chỉ thực hiện các tác vụ nhẹ như lướt web, xem phim, chơi game không đòi hỏi cấu hình cao thì 8GB RAM là đủ dùng rồi. Tuy nhiên nếu muốn build một chiếc PC để chiến game thì dung lượng ít nhất cũng phải 16GB RAM.
Nếu bạn là một người đam mê game hoặc chuyên chỉnh sửa đồ họa và muốn máy tính lúc nào cũng hoạt động mượt mà thì 32GB là lựa chọn cực kỳ phù hợp.
Về cơ bản, dung lượng RAM cần phụ thuộc hoàn toàn vào các tác vụ hàng ngày của bạn. Và rõ ràng cần càng nhiều dung lượng RAM thì bạn càng phải chi nhiều tiền hơn. Vì thế hãy cân đối tài chính với nhu cầu.
5.2 Xung nhịp (tần số)
Bất cứ khi nào kiểm tra một thanh RAM, bạn đều nhận thấy rằng tần số luôn đi kèm với tên (ví dụ: CORSAIR Vengeance RGB DDR5-6000). Số 6000 đại diện cho xung nhịp của nó và đơn vị là MHz. Con số này thể hiện số lần RAM có thể thực hiện chu kỳ đọc/ ghi trên dữ liệu được tải trên một giây.
Về cơ bản, một khi dữ liệu đã được truyền đến RAM, nó sẽ thực hiện một chu trình đọc hoặc ghi dữ liệu. Và số lần nó có thể thực hiện chu trình này trong một giây thì được gọi là tần số của RAM. Vì thế, với thanh RAM CORSAIR Vengeance RGB DDR5-6000, nó có thể thực hiện 6 tỷ chu trình đọc/ ghi trong một giây.
Tần số càng cao thì RAM càng nhanh là điều có thể bạn đoán. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, riêng tần số không thể quyết định tốc độ của RAM.
5.3 Độ trễ (CAS)
Độ trễ CAS (Column Access Strobe) thể hiện độ trễ giữa RAM nhận lệnh từ CPU và RAM thực hiện lệnh trên. Độ trễ CAS được biểu thị bằng một chuỗi số phân tách bằng dấu gạch ngang.
Với thanh RAM RAM CORSAIR Vengeance RGB DDR5-6000, độ trễ của nó là 36-36-36-76. Mỗi số đại diện cho một thời gian trễ khác nhau, thường là như sau (từ trái sang phải):
- Column Access Strobe Latency
- Row Address to Column Address Delay
- Row Precharge Time
- Row Active Time
Khi chọn mua RAM, hãy xem xét cả tần số lẫn độ trễ để có thể đánh giá được hiệu suất của nó. Một thanh RAM có tần số cao cũng như độ trễ cao sẽ không phải là lựa chọn tối ưu nhất. Vì vậy bạn phải kết hợp giữa tần số và độ trễ để có được thanh RAM tốt nhất.
5.4 Điện áp
Với sự ra mắt của chuẩn DDR5, nỗi lo về điện áp đầu vào đã không còn nữa. Nhìn chung, RAM DDR5 khá tiết kiệm điện năng so với các thế hệ trước. Khi mua RAM thì điện áp là thông số khá quan trọng, đặc biệt nếu bạn có ý định ép xung nó.
Khi ép xung RAM, bạn cần tăng điện áp đầu vào của nó để có thể đạt được hiệu suất tốt hơn. Vì vậy, điện áp đầu vào càng thấp thì bạn càng có nhiều khoảng trống để ép xung một cách an toàn.
6. Một số yếu tố khác
Ngoài thông số kỹ thuật thì tính năng cũng là điều bạn cần quan tâm khi chọn mua RAM.
6.1 Heatspreader
Đúng như tên gọi, công việc của Heatspreader rất đơn giản. Nó giúp phân tán nhanh nhiệt độ do các chip bộ nhớ tạo ra. Điều này sẽ hỗ trợ hệ thống quạt của máy tính tản nhiệt một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Bộ tản nhiệt làm giảm nhiệt độ của chip bộ nhớ. Điều này giúp RAM hoạt động ổn định hơn. Ngoài nhiệm vụ tản nhiệt, các nhà sản xuất còn sử dụng Heatspreader để tạo cho các thanh RAM của họ một vẻ ngoài độc đáo và đặc biệt.
Trừ khi bạn đang tìm kiếm một tùy chọn tiết kiệm chi phí. Hầu hết RAM đều được trang bị bộ tản nhiệt.
6.2 Chiều cao
Điều này nghe có vẻ không quan trọng, nhưng trên thực tế, việc xem xét chiều cao của RAM bạn có ý định mua rất quan trọng.
Đặc biệt là bạn chuẩn bị build một dàn PC Mini-ITX nhỏ gọn với hệ thống tản nhiệt lớn. Lý do là bởi nếu không có đủ khoảng trống để lắp RAM thì có thể bạn phải quay lại cửa hàng và trả lại nó.
Vì thế hãy luôn kiểm tra chiều cao của RAM để xem nó có phù hợp với dàn máy tính của bạn hay không. Nếu build một dàn PC kích cỡ nhỏ thì tốt nhất bạn nên chọn RAM low-profile. Ngoài việc có kích cỡ nhỏ hơn thì hiệu suất và mọi thứ khác đều được giữ nguyên.
6.3 Đèn LED
Mặc dù ngoại hình là yếu tố không ảnh hưởng gì tới hiệu năng. Tuy nhiên nó lại có ý nghĩa rất lớn đối với các bạn game thủ. Ngoài ra nếu muốn build một bộ PC có ngoại hình hấp dẫn thì bạn cần xem xét yếu tố RGB của RAM.
Và một thanh RAM có RGB chắc chắn sẽ đắt hơn thanh RAM không có đèn LED. Tuy nhiên số tiền bạn bỏ ra thêm cũng không nhiều và hoàn toàn xứng đáng.
6.4 Khả năng ép xung
Ở phần điện áp, bài viết đã đề cập đến việc ép xung. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch ép xung RAM thì trước tiên nó phải có khả năng này đã.
Để RAM có khả năng ép xung tốt, nó phải có điện áp đầu vào đáng tin cậy để có thể tăng lên một cách an toàn. Hơn nữa, khi OC, nhiệt lượng mà RAM sinh ra cũng nhiều hơn. Vì vậy thanh RAM cũng cần sử dụng bộ tản nhiệt chất lượng cao để xử lý lượng nhiệt dư thừa.
Khả năng ép xung của RAM phụ thuộc rất nhiều vào điện áp đầu vào và bộ tản nhiệt. Ngoài ra còn phụ thuộc vào bo mạch chủ vì nó chỉ hỗ trợ tần số RAM ở mức nhất định.
7. Kết luận
Qua bài viết, chắc hẳn bạn đã trang bị cho mình đủ kiến thức và có thể tự tin chọn cho mình những thanh RAM như ý, phù hợp với nhu cầu cá nhân.